Thực hiện Lebensborn

Ban đầu chương trình này đóng vai trò hỗ trợ phúc lợi cho vợ của các sĩ quan SS; xây dựng các cơ sở vật chất mà chủ yếu là nhà hộ sinh; và giúp đỡ họ chăm sóc gia đình. Dần dà, chương trình thu nhận các phụ nữ đơn thân đang mang thai hoặc đã sinh con và cần trợ giúp, miễn là cả người phụ nữ đó và bố của đứa trẻ đều thuộc những "chủng tộc đáng giá".

Sau đó các cơ sở vật chất này cũng kiêm luôn làm nhà tạm, trại trẻ mồ côi cho dịch vụ nhận con nuôi. Nếu người xin trợ giúp không phải là thành viên SS, cả cha mẹ và con cái đều phải trải qua một kì kiểm tra của các bác sĩ SS trước khi được nhận.

Nhà hộ sinh Lebensborn đầu tiên được mở ở ngoại ô München vào tháng 8 năm 1936. Nhà hộ sinh Lebensborn đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ Đức được khánh thành năm 1941 tại Na Uy.

Tổ chức Lebensborn xây dựng cơ sở vật chất tại nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng, nhưng các hoạt động của nó tập trung chủ yếu tại Đức, Na Uy và lãnh địa Đông Bắc Âu của Đức, nhất là Ba Lan. Mục tiêu chính ở Na Uy là cưu mang những trẻ em có cha là lính Đức và mẹ người Na Uy; tại Đông Bắc Âu, ngoài các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên SS, tổ chức còn chịu trách nhiệm gửi trẻ em, đa số là trẻ mồ côi, về sống trong các gia đình ở Đức.

Thống kê số lượng cơ sở vật chất mà tổ chức Lebensborn e. V. đã xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng tại một số nơi:

  • Đức: 10
  • Áo: 3
  • Vùng lãnh thổ chiếm đóng Đông Bắc Âu (Ba Lan): 3
  • Na Uy: 9 (một số tài liệu cho rằng con số này là khoảng 15)
  • Đan Mạch: 2
  • Pháp: 1 (Tháng 2, 1944 - Tháng 8, 1944) - tại Lamorlaye
  • Bỉ: 1 (Tháng 3, 1943 - Tháng 9, 1944) - tại Wégimont, thành phố tự trị của Soumagne
  • Hà Lan: 1
  • Luxembourg: 1

Đã có khoảng 8,000 người được sinh ra trong các nhà hộ sinh Lebensborn ở Đức, cùng với 8,000 người khác tại Na Uy. Ở các nơi khác số trẻ được sinh ra ít hơn nhiều.

Ở Na Uy, tổ chức Lebensborn đã thực hiện xấp xỉ 250 trường hợp nhận con nuôi. Phần lớn những bà mẹ trong những trường hợp này đều đồng ý để cho con mình được nhận nuôi, song không phải ai cũng biết con cái họ sẽ bị gửi đến Đức. Sau chiến tranh chính phủ Na Uy đã nhận về khoảng 80 trẻ em. Các tài liệu Lebensborn ở Na Uy vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay, phần lớn đang ở Cục lưu trữ Quốc gia Na Uy.

Chương trình "Đức hóa"

Tuy chương trình này không nằm trong mục đích ban đầu, các ngôi nhà Lebensborn vẫn được sử dụng để tạm thời nuôi dưỡng các trẻ em Ba Lan (tuổi từ 2 đến 6) bị bắt cóc đưa về Đức [2] để đồng hóa. Trẻ em lớn hơn được gửi đến các trại giáo dưỡng đặc biệt được xây nên nhằm thực hiện mục tiêu "Đức hóa". Trẻ em nhỏ tuổi được nuôi dưỡng và theo dõi trong các khu nhà Lebensborn trước khi được các gia đình nhận nuôi[2].